Lượt xem: 4614

25 năm Việt Nam gia nhập ASEAN

Cách đây 25 năm, ngày 28/7/1995, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 28 (AMM-28) tại Bru-nây, Việt Nam chính thức gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và trở thành thành viên chính thứ 7 của Hiệp hội này. Tổ chức ASEAN được thành lập năm 1967 với 5 thành viên là Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Singapore.

    Việc Việt Nam gia nhập ASEAN đánh dấu một bước ngoặt quan trọng ở Đông Nam Á. Sự kiện chấm dứt thời kỳ căng thẳng, không ổn định và đầy nghi ngại giữa các nước trong khu vực, tạo nên khung cảnh hòa bình, an ninh và ổn định, mở ra thời kỳ phát triển mới của khu vực. Đó chính là kết quả cơ bản và bền vững của quá trình hội nhập khu vực, một bước tiến ban đầu tiến tới hội nhập quốc tế. Đây cũng là dấu mốc lớn, quyết sách đầy trách nhiệm và dũng cảm của các nhà lãnh đạo nước ta thời kỳ đó, đã mở cánh cửa đầu tiên giúp Việt Nam từng bước tháo gỡ thế bao vây, cấm vận và bước đầu hội nhập cả về kinh tế và đối ngoại với thế giới.


Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm ký Tuyên bố kết nạp Việt Nam trở thành thành viên của ASEAN ngày 28-7-1995. Ảnh TTXVN.

    Tại Hội nghị bàn tròn các nhà báo châu Á - Thái Bình Dương (tháng 01-1989), Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã tuyên bố rằng Việt Nam sẵn sàng phát triển quan hệ hữu nghị với các nước ASEAN. Đây cũng là bước khởi đầu cho một mối quan hệ bền vững cho đến ngày hôm nay.

    Sau đó, Việt Nam tuyên bố sẵn sàng tham gia Hiệp ước thân thiện và hợp tác của ASEAN (Hiệp ước Bali) ngay tại JIM-2.

    Năm 1992 đánh dấu quá trình hội nhập khu vực của Việt Nam sau khi tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), và trở thành Quan sát viên, tham dự các Hội nghị Bộ trưởng ASEAN (AMM) hàng năm. Trong thời gian này, Việt Nam cũng bắt đầu tham gia các hoạt động của một số Ủy ban hợp tác chuyên ngành ASEAN.

    Tháng 7-1994, Việt Nam được mời tham dự cuộc họp đầu tiên của Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) và trở thành một trong những thành viên sáng lập của Diễn đàn này.


Nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm (thứ 2 từ phải) cùng các Ngoại trưởng ASEAN trong cuộc họp kết nạp Việt Nam vào ASEAN tại Brunei, ngày 28/7/1995 - Ảnh tư liệu

    Ngày 28-7-1995, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 28 (AMM-28) tại Bru-nây Đa-rút-xa-lam, Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN và trở thành thành viên thứ 7 của tổ chức này.

    Những ngày đầu tham gia còn bỡ ngỡ, thiếu thốn cả về nhân lực, tài lực và kinh nghiệm khi tham gia một tổ chức khu vực, mà trước đó cả hai bên ASEAN (6) và Việt Nam còn có chút nghi ngại về nhau, đến hôm nay, Việt Nam đã nhanh chóng hội nhập, tham gia sâu rộng vào tất cả các lĩnh vực hợp tác của ASEAN và có những đóng góp tích cực trong việc duy trì đoàn kết nội khối, tăng cường hợp tác giữa các nước thành viên cũng như giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài, góp phần không nhỏ vào sự phát triển và thành công của ASEAN.

    25 năm tham gia, ASEAN đã chứng kiến quá trình trưởng thành của Việt Nam trên sân chơi hội nhập từ giai đoạn học hỏi, làm quen, đến thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của thành viên, tiến tới tham gia tích cực, chủ động và có trách nhiệm. Ba năm sau khi chính thức gia nhập, Việt Nam đã đảm nhận nghĩa vụ đầu tiên của một thành viên với việc tổ chức Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 6 (1998), chủ trì xây dựng và thông qua Chương trình Hành động Hà Nội (HPA) triển khai Tầm nhìn ASEAN 2010 cũng như đề ra các biện pháp ứng phó với các vấn đề nảy sinh sau khủng hoảng tài chính khu vực, để lại dấu ấn tốt đẹp đầu tiên của Việt Nam trong ASEAN. Ba năm tiếp theo đó, Việt Nam tiếp tục đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Ủy ban thường trực ASEAN (2000 - 2001) khóa 34, chủ trì thành công chuỗi các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và giữa ASEAN với các Đối tác tại Hà Nội tháng 7 năm 2001.

    Vai trò của Việt Nam tiếp tục được thể hiện rõ nét qua những đóng góp tích cực cho quá trình xây dựng các văn kiện định hướng lớn đưa ASEAN chuyển sang giai đoạn đẩy mạnh liên kết và xây dựng cộng đồng như: Tuyên bố Hòa hợp Ba-li II năm 2003, Chương trình Hành động Viêng Chăn (VAP) năm 2004, Hiến chương ASEAN năm 2007, Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN 2009 - 2015, Kế hoạch công tác Sáng kiến Liên kết ASEAN…

    Năm 2010, một lần nữa Việt Nam giữ chức Chủ tịch Hiệp hội. Hội nghị cấp cao lần thứ 16 do Việt Nam chủ trì đã đóng góp tích cực vào việc triển khai Hiến chương và xây dựng Cộng đồng ASEAN; hợp tác ứng phó với các thách thức toàn cầu, quan hệ đối ngoại của ASEAN và vai trò ASEAN trong khu vực với chủ đề “Hướng tới cộng đồng ASEAN, từ tầm nhìn đến hành động”.

    Cho đến nay, chúng ta có thể tự hào nhận thấy Việt Nam đã cùng các nước xây dựng và thực thi các mục tiêu, các chỉ tiêu để thành lập cộng đồng ASEAN. Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong việc thực thi các mục tiêu với gần 95% các dòng hành động đã được triển khai. Bên cạnh đó, Việt Nam giữ vai trò tích cực trong việc điều phối các cơ chế hợp tác giữa ASEAN với các đối tác như Trung Quốc, EU, Ấn Độ. Việt Nam đã đóng góp không nhỏ vào việc kết nối và mở rộng quan hệ chiến lược giữa ASEAN và làm sâu sắc thêm quan hệ với các đối tác này.


Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch sáng lập WEF Klaus Schwab (thứ ba, từ phải sang) và các trưởng đoàn tham dự hội nghị chụp ảnh chung tại Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF-ASEAN) 2018 - Ảnh TTXVN.

    Năng động và sáng tạo, Việt Nam đã đưa ra nhiều sáng kiến như mở rộng thành viên của Hội nghị cấp cao Đông Á bằng cách kết nạp Nga và Mỹ tham gia cấp cao Đông Á. Cũng như lần đầu tiên tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) trong năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN (2010). Đây là những cơ chế kết nối cực kỳ quan trọng, không chỉ trong nội khối ASEAN mà còn giữa ASEAN với các nước.

    Là một thành viên rất có trách nhiệm, trước những thách thức mà ASEAN phải đương đầu, Việt Nam đã đóng góp vào việc xây dựng Tuyên bố của các bên về ứng xử ở Biển Đông (DOC), đóng góp tích cực vào duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực Biển Đông. Luôn nêu vấn đề Biển Đông trong các chương trình nghị sự. Chỉ có những thành viên hết sức trách nhiệm mới có thể có những đóng góp tích cực như vậy. Cũng không thể không nhắc đến sự năng động và những cố gắng không mệt mỏi của Việt Nam trong việc xây dựng tầm nhìn 2025 với mục tiêu làm cho ASEAN liên kết sâu rộng hơn, hoạt động trên cơ sở luật pháp và lấy người dân làm trung tâm.

    Việc trở thành Chủ tịch ASEAN năm 2020 - đồng thời là Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đánh dấu một bước tiến mới về vai trò của Việt Nam không chỉ trong nội khối, trong khu vực mà còn trên thế giới. Ở đất nước có một nền chính trị ổn định, kinh tế liên tục phát triển, đặc biệt Việt Nam đã trở thành một “điểm sáng” trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 vừa qua, đã kiểm soát được dịch bệnh, hạn chế sự lây nhiễm trong cộng đồng, được các nước trên thế giới ghi nhận và đánh giá cao. Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong quan hệ với các nước lớn. Tuy nhiên, với vai trò Chủ tịch ASEAN thì “Tư duy cộng đồng và hành động cộng đồng” là quan trọng nhất. Việt Nam đã lựa chọn chủ đề “Gắn kết và Chủ động thích ứng” cho năm Chủ tịch của mình cho thấy Việt Nam đã đặt trọng tâm ưu tiên cho năm Chủ tịch đúng với đòi hỏi của tình hình.

    Thử thách dịch bệnh cũng là cơ hội để Việt Nam nêu cao vai trò của mình. Trong bối cảnh nhiều nước, nhiều khu vực, mọi hoạt động gần như bị đảo lộn hoặc “đóng băng”, thì với sự chủ động và linh hoạt trên cương vị Chủ tịch, Việt Nam đã cùng ASEAN chứng tỏ cho thế giới thấy “tinh thần cộng đồng” cùng quyết tâm và cam kết mạnh mẽ chống Covid-19. Việt Nam vẫn tiếp tục khẳng định tinh thần trách nhiệm và tích cực với cộng đồng quốc tế. Cùng các nước thành viên, Việt Nam đã thể hiện khả năng phản ứng rất nhanh, cũng như năng lực gắn kết trong phối hợp chính sách và hành động của ASEAN: Việt Nam vẫn đứng ra tổ chức Hội nghị cấp cao ASEAN đặc biệt và Hội nghị ASEAN+3 (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) để ứng phó với Covid-19 (ngày 14-4-2020). Ngay từ khi dịch bệnh mới bùng nổ, ngày 15-02-2020, với sự chủ động của Việt Nam, ASEAN là tổ chức khu vực đầu tiên ra được Tuyên bố của Chủ tịch về ứng phó chung của ASEAN chống Covid-19. Các cuộc họp cấp Bộ trưởng ASEAN quan trọng trên các lĩnh vực y tế, quốc phòng, kinh tế, các cuộc họp với các đối tác đối thoại quan trọng như Trung Quốc, EU, Hoa Kỳ và Tổ chức Y tế thế giới dưới sự chủ trì của Việt Nam vẫn được tiến hành trực tuyến…


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Cấp cao ASEAN - Nhật Bản lần thứ 21 - Ảnh tư liệu

    Là một đất nước không giàu có, nhưng Việt Nam sẵn sàng cung cấp cho Mỹ quần áo bảo hộ, tặng khẩu trang y tế cho Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha và Anh; hỗ trợ các trang thiết bị y tế cần thiết cho Lào, Campuchia, Myanmar; tặng các vật tư y tế, găng tay, khẩu trang và đồ bảo hộ cho thành phố Vũ Hán, Trung Quốc ngay từ những ngày đầu có dịch. Có lẽ sức lan tỏa của Việt Nam không phải nằm ở số tiền được quy ra từ số quà tặng, mà trên tất cả, đó chính là tính nhân văn, nghĩa cử của con người Việt Nam đối với bạn bè khi hoạn nạn có nhau.

    Với kinh nghiệm quý báu của 25 năm là thành viên ASEAN, Việt Nam đã chứng minh được vị thế của mình không những trong khu vực và còn trên thế giới, chứng tỏ vai trò là một đất nước tích cực, chủ động đóng góp vào tiến trình phát triển của ASEAN. Với lòng tự hào dân tộc, chắc chắn nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam sẽ gặt hái thành công khi vượt lên những thách thức khó khăn để chào đón những thời cơ và vận hội mới./.

Quốc Hùng



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 81
  • Hôm nay: 6635
  • Trong tuần: 77,342
  • Tất cả: 11,800,662